ERP Consultant là nghề gì? Con đường nghề nghiệp và lộ trình thăng tiến trong nghề tư vấn và triển khai ERP

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc tối ưu hóa các quy trình và nâng cao hiệu quả vận hành là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, hệ thống ERP đã trở thành nền tảng không thể thiếu. Tuy nhiên, việc triển khai ERP không phải là một nhiệm vụ đơn giản, mà đòi hỏi sự chuyên nghiệp và am hiểu sâu sắc từ các chuyên gia tư vấn triển khai. Chính vì vậy, nghề ERP Consultant đang ngày càng trở thành một nghề tiềm năng và được nhiều doanh nghiệp săn đón. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin giá trị về nghề ERP Consultant và lộ trình phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này!

Xem nhanh

1. Sơ lược về ERP

Hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) là nền tảng quản trị quan trọng của doanh nghiệp, giúp tối ưu hóa hoạt động vận hành và nâng cao hiệu suất làm việc. Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ, trước đây chưa từng có khái niệm về ERP cũng đang dần lựa chọn ERP trở thành nền tảng quản trị chủ chốt.

Thuật ngữ ERP lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1990, mô tả một hệ thống quản lý toàn diện doanh nghiệp, kết nối và đồng bộ dữ liệu của các bộ phận trong doanh nghiệp như kế toán - tài chính, sản xuất, vận hành kho, quản trị quan hệ khách hàng (CRM) đến quản lý chuỗi cung ứng và mua hàng,...

Hệ thống ERP là nền tảng cốt lõi giúp doanh nghiệp kết nối dữ liệu các phòng ban và tối ưu hóa quy trình vận hành 

Việc ứng dụng hệ thống ERP giúp doanh nghiệp tự động hóa các quy trình, nâng cao hiệu quả vận hành nhờ dữ liệu được cập nhật liên tục theo thời gian thực. Điều này mang lại sự minh bạch và chính xác, giúp ban lãnh đạo và các quản lý chủ chốt có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tìm hiểu chi tiết về ERP tại: ERP là gì? Lợi ích của Hệ thống ERP trong quản lý Doanh nghiệp

2. ERP consultant là gì?

Để một hệ thống ERP triển khai thành công và vận hành hiệu quả tại doanh nghiệp, vai trò của Chuyên viên tư vấn triển khai ERP (ERP Consultant) là vô cùng quan trọng.

Nhiệm vụ chính của một ERP Consultant bao gồm hai phạm vi:

  • Tư vấn chuyển đổi số: ERP Consultant giúp doanh nghiệp chuyển đổi số bằng cách thay đổi và chuẩn hóa quy trình, cấu trúc hoạt động, xây dựng văn hóa quản trị doanh nghiệp một cách bài bản dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến.
  • Xây dựng và triển khai giải pháp ERP: ERP Consultant giúp doanh nghiệp áp dụng hệ thống ERP vào thực tế, từ việc tư vấn giải pháp đến việc triển khai và tùy chỉnh hệ thống, đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả. Họ cũng đào tạo người dùng để sử dụng hệ thống đúng cách.

Quá trình làm việc của ERP Consultant bao gồm việc thu thập yêu cầu từ khách hàng (doanh nghiệp), phân tích và tư vấn giải pháp ERP phù hợp, sau đó triển khai hệ thống và đảm bảo vận hành thành công. Như vậy, nếu ví triển khai ERP như xây dựng một ngôi nhà, ERP Consultant chính là người thiết kế và thi công ngôi nhà phù hợp nhất cho khách hàng.

*ERP Consultant khác gì với Business Analyst, IT Consultant

Mặc dù cả ba vị trí này đều liên quan đến việc tối ưu hóa quy trình và cải thiện hiệu suất hoạt động doanh nghiệp, nhưng mỗi vai trò lại có một trọng tâm và phạm vi công việc riêng biệt.

  • ERP consultant là nghề nghiệp kết hợp giữa tư vấn quản lý với công nghệ phần mềm, chủ yếu tập trung vào triển khai hệ thống ERP. Họ cần hiểu rõ cả hệ thống ERP và các nhu cầu nghiệp vụ của doanh nghiệp để đưa ra giải pháp phù hợp.
  • Business Analyst (BA), trong khi đó, tập trung vào việc thu thập và phân tích yêu cầu từ các bộ phận trong doanh nghiệp để đề xuất các cải tiến quy trình và giải pháp công nghệ. BA là cầu nối bộ phận kinh doanh và kỹ thuật, thường không trực tiếp triển khai hoặc tùy chỉnh hệ thống phần mềm như một ERP Consultant.
  • IT Consultant, trái lại, chuyên sâu vào việc cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin tổng thể cho doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng công nghệ, lựa chọn phần mềm, quản lý hệ thống mạng, và bảo mật. IT Consultant có thể hỗ trợ ERP về mặt kỹ thuật, nhưng không sâu về các quy trình nghiệp vụ, nhu cầu kinh doanh và cách thức hệ thống ERP vận hành trong từng bộ phận cụ thể của doanh nghiệp như ERP Consultant.

*SAP consultant có phải là ERP consultant?

Hệ thống ERP được xây dựng và cung cấp bởi nhiều hãng khác nhau như SAP, Oracle NetSuite, Microsoft,... và người ERP Consultant có vai trò tư vấn và triển khai hệ thống ERP cho các doanh nghiệp khác nhau theo nhu cầu của họ. Tùy theo loại hệ thống ERP được triển khai mà người tư vấn triển khai ERP có thể được gọi là SAP Consultant hay Oracle NetSuite Consultant,...

Do vậy ERP Consultant là 1 chức danh chung cho những người làm tư vấn triển khai hệ thống ERP, còn SAP Consultant là được xem là 1 người tư vấn triển khai hệ thống ERP do hãng SAP cung cấp.

3. Các nhóm công việc chính của một ERP Consultant

3.1 Functional consultant - Chuyên viên tư vấn triển khai nghiệp vụ

Functional Consultant tập trung vào tư vấn và triển khai các quy trình nghiệp vụ của hệ thống ERP. Họ là cầu nối giữa khách hàng và đội ngũ kỹ thuật, nắm bắt yêu cầu của doanh nghiệp và chuyển thành giải pháp thực tiễn.

Trách nhiệm của chuyên viên tư vấn triển khai hệ thống ERP theo nghiệp vụ là đảm bảo hệ thống được triển khai và tùy chỉnh phù hợp nhất với doanh nghiệp cũng như người dùng (User) có khả năng sử dụng thành thạo hệ thống ERP đã triển khai.

Công việc chính của vị trí này bao gồm:

  • Lắng nghe và thu thập yêu cầu từ khách hàng.
  • Khảo sát, phân tích nghiệp vụ và tư vấn giải pháp phù hợp.
  • Chuyển đổi yêu cầu thành tài liệu thiết kế chức năng gửi cho bộ phận kỹ thuật.
  • Phối hợp với đội ngũ kỹ thuật để tùy chỉnh hệ thống.
  • Xây dựng kịch bản thử nghiệm, thiết kế báo cáo, đào tạo và hỗ trợ khách hàng trong quá trình vận hành.

3.2 Technical Consultant - Chuyên viên tư vấn kỹ thuật, công nghệ

Vị trí Technical Consultant thường phù hợp với các bạn có nền tảng công nghệ thông tin và tư duy hệ thống vì một người làm Technical Consultant sẽ chuyên về tư vấn các giải pháp, phát triển công nghệ và điều chỉnh các modules (chức năng) trong doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Họ làm việc trực tiếp với khách hàng để xác định vấn đề kỹ thuật và đưa ra giải pháp công nghệ phù hợp.

Công việc cụ thể của vị trí này bao gồm:

  • Chịu trách nhiệm về kỹ thuật trong triển khai dự án ERP
  • Phân tích yêu cầu nghiệp vụ và hiện trạng hệ thống, đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp.
  • Nghiên cứu, triển khai các ứng dụng và giải pháp tùy chỉnh cho doanh nghiệp.
  • Thiết kế cấu trúc hệ thống, lập trình và triển khai các ứng dụng theo nhu cầu của doanh nghiệp.
  • Tham gia vào di chuyển dữ liệu, tích hợp, thiết kế báo cáo và bảo mật.
  • Đánh giá và giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong quá trình triển khai.
  • Nghiên cứu công nghệ mới (AI, IoT, RPA) và đề xuất ứng dụng cho doanh nghiệp.

4. Lộ trình nghề nghiệp và thăng tiến của một ERP Consultant

Lộ trình nghề nghiệp của một ERP Consultant có thể chia thành nhiều cấp độ, mỗi cấp độ phản ánh sự phát triển về kinh nghiệm, kỹ năng và trách nhiệm trong công việc:

  • Fresher/Intern: Là giai đoạn khởi đầu cho những người mới vào nghề ERP. Các công việc chủyếu trong giai đoạn này bao gồm hỗ trợ các Consultant trong các công việc dự án như viết tài liệu, hỗ trợ đào tạo khách hàng và triển khai hệ thống tại doanh nghiệp. Đây là thời điểm học hỏi và làm quen với các quy trình triển khai ERP.
  • Business Consultant: Khi có ít nhất 1-2 dự án triển khai ERP đầy đủ (full-cycle), một Fresher ERP Consultant sẽ thăng tiến lên vị trí Business Consultant. Ở cấp độ này, chuyên viên tư vấn có đủ kỹ năng và kiến thức để tư vấn cho khách hàng về các vấn đề nghiệp vụ và giúp triển khai giải pháp ERP. Họ cũng sẽ bắt đầu quản lý các Fresher/Intern và hướng dẫn họ trong các công việc hỗ trợ dự án.
  • Senior Business Consultant: Chuyên viên tư vấn cấp cao có thể quản lý một nhóm nghiệp vụ và đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng giải pháp cho các dự án lớn. Họ có khả năng xử lý các tình huống phức tạp và tạo ra chiến lược cho việc triển khai hệ thống ERP phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
  • ERP Solution Architect: Là người đứng đầu trong việc thiết kế giải pháp ERP toàn diện cho dự án. Đây là một vai trò cao cấp, yêu cầu kiến thức sâu rộng về ERP và khả năng xây dựng các giải pháp phức tạp cho các tổ chức.
  • Expert: Là chuyên gia hàng đầu trong ngành ERP, đóng vai trò kiến trúc sư dự án, hỗ trợ giải pháp cho các dự án lớn và cung cấp giải pháp công nghệ cho các vấn đề khó khăn trong doanh nghiệp.

ERP consultant có lộ trình thăng tiến rõ ràng, phụ thuộc vào kinh nghiệm triển khai thành công và mức độ tham gia vào dự án

Ngoài các lộ trình thăng tiến trong tư vấn, một ERP Consultant còn có thể chuyển hướng sang các vai trò khác như Project Manager (PM) hoặc Pre-Sales Consultant, quản lý toàn bộ dự án hoặc tham gia vào các công việc phát triển kinh doanh. Những vị trí này đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo, tổ chức và khả năng làm việc với các đội nhóm đa dạng để triển khai ERP hiệu quả.

5. Vai trò của ERP Consultant trong từ giai đoạn của dự án ERP

Dự án ERP thường trải qua 5 giai đoạn chính, tùy theo nhu cầu và độ lớn của dự án mà các giai đoạn sẽ được bổ sung hoặc điều chỉnh phù hợp. Trong mỗi giai đoạn, ERP consultant sẽ có các nhiệm vụ chính như sau:

  • Giai đoạn Chuẩn bị: Thành lập đội dự án, phân tích yêu cầu và thiết lập kế hoạch dự án.
  • Giai đoạn Phân tích và Thiết kế giải pháp: Làm việc với khách hàng để xây dựng giải pháp ERP phù hợp, đảm bảo hệ thống sẽ đáp ứng các yêu cầu thực tế.
  • Giai đoạn Xây dựng và Kiểm thử: Cấu hình hệ thống ERP, chuẩn bị dữ liệu và thực hiện kiểm thử chức năng.
  • Giai đoạn Chuyển đổi dữ liệu và Vận hành: Hỗ trợ khách hàng thu thập và chuyển đổi dữ liệu, bảo đảm hệ thống vận hành trơn tru.
  • Giai đoạn Vận hành chính thức: Giải quyết các vấn đề phát sinh và hỗ trợ khách hàng sau khi hệ thống được triển khai. 

6. Triển vọng nghề nghiệp khi trở thành một ERP Consultant

Với nhu cầu triển khai hệ thống ERP ngày càng cao, cơ hội nghề nghiệp cho ERP Consultant rất rộng mở, không chỉ ở các đơn vị tư vấn triển khai ERP mà còn tại các doanh nghiệp sử dụng hệ thống này. Các chuyên gia ERP giàu kinh nghiệm còn có cơ hội làm việc với các công ty trong và ngoài nước, hoặc tham gia dự án outsource quốc tế với mức lương hấp dẫn.

Tại Việt Nam, yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của một ERP Consultant rất cao, nghề này cũng chịu áp lực lớn. Mỗi dự án ERP tác động mạnh mẽ đến sự phát triển doanh nghiệp, yêu cầu người tư vấn có khả năng phân tích nghiệp vụ tốt và đưa ra giải pháp chính xác. Đây được xem là nghề "cao cấp", đòi hỏi kiến thức sâu rộng về cả kỹ thuật và nghiệp vụ doanh nghiệp.

ERP consultant có triển vọng nghề nghiệp rộng mở, song hành cùng nhiều thách thức và áp lực lớn
Mặc dù quá trình đào tạo và tích lũy kinh nghiệm có thể dài, số lượng chuyên gia ERP vẫn còn hạn chế, tạo ra cơ hội nghề nghiệp lớn và mức lương hấp dẫn. Ngay cả những sinh viên mới ra trường cũng có thể nhận được mức lương cao khi làm việc trong vai trò trợ lý triển khai ERP. Cùng với kinh nghiệm, mức lương có thể tăng cao, với cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ các cấp quản lý doanh nghiệp.

7. Những kiến thức, kỹ năng và tổ chất cần có để trở thành một ERP Consultant

7.1 Năng lực về chuyên môn

  • Sự am hiểu về khách hàng: bao gồm sự hiểu biết về cấu trúc tổ chức cốt lõi, quy trình, cáchthức quản trị và các quy định của khách hàng; Hiểu được các yếu tố nghiệp vụ bên trong và bên ngoài tác động đến dự án.
  • Khả năng hiểu biết về nghề tư vấn quản lý: có nền tảng kiến thức trong quản lý kinh doanh, kế toán tài chính, nghiệp vụ thương mại.
  • Kiến thức chuyên môn theo line of business (LoB): bằng cấp, kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực mình tư vấn. Ví dụ: tư vấn về sản xuất thì phải có kiến thức về quản lý sản xuất + quản trị kinh doanh; tư vấn về kế toán thì phải có bằng cấp về tài chính kế toán hoặc kế toán kiểm toán hoặc tương đương. Khuyến khích học chuyên sâu và lấy được các bằng Master/ MBA.
  • Chứng chỉ SAP: bắt buộc phải học và lấy chứng chỉ SAP theo lĩnh vực mình tư vấn. Ví dụ: chứng chỉ SAP FI, SAP CO, SAP PP, SAP MM, SAP SD, …
  • Kiến thức và kinh nghiệm ngành (industry): mỗi ngành yêu cầu kiến thức và kinh nghiệm tư vấn chuyên sâu khác nhau. Ví dụ: tư vấn quản trị sản xuất cho ngành Dược sẽ khác với tư vấn quản trị sản xuất cho ngành Thép hoặc nông lâm thủy hải sản. Kiến thức và kinh nghiệm này được học và tích lũy dần trong quá trình tham gia dự án và làm việc cùng các chuyên gia tư vấn ngành.

7.2 Năng lực kỹ năng

  • Khả năng giao tiếp & thuyết trình
  • Khả năng viết biên bản họp/ viết báo cáo
  • Khả năng thúc đẩy, dẫn dắt, huấn luyện, kèm cặp, xây dựng sự đồng thuận
  • Khả năng về ngoại ngữ: Tiếng Anh là bắt buộc, và các ngôn ngữ khác (tùy yêu cầu) nếu tham gia dự án ở nước ngoài
  • Khả năng lập và kiểm soát kế hoạch, quản lý sự cam kết
  • Kỹ năng phân tích: giải quyết vấn đề, ra quyết định hoặc đề xuất, tương tác hiệu quả với những người khác
  • Khả năng quản lý rủi ro và chất lượng
  • Sự yêu thích công nghệ phần mềm
  • Khả năng tự học hỏi, sự đam mê với nghề
  • Khả năng xử lý các vấn đề phức tạp 

7.3 Chứng chỉ cần có

Để trở thành một chuyên viên tư vấn triển khai ERP, các bạn cũng cần có các chứng chỉ được quốc tế công nhận, các chứng chỉ này có thể được bổ sung dần khi các bạn đã có đủ kiến thức cần thiết chứ không nhất thiết yêu cầu phải có mới trở thành chuyên viên tư vấn.

Đối với kiến thức chuyên ngành về hệ thống ERP nói chung và kiến thức từng hãng ERP nói riêng, bạn có thể tìm học trên các trang web chuyên ngành. Không khó để tìm được những tài liệu từ cơ bản đến chuyên sâu về ERP vì hiện nay có rất nhiều các thư viện, diễn đàn mở về vấn đề chia sẻ kiến thức.

7.4 Các tố chất cần có ở một ERP Consultant

Đi kèm với kỹ năng, kiến thức cần có, người tư vấn triển khai ERP cũng một số tố chất để có thể theo đuổi và bám trụ với nghề như:

  • Đam mê với nghề ERP: Thời gian học nghề dài, cũng như áp lực lớn mà các dự án mang lại dễ khiến nhiều người rời bỏ vị trí ERP Consultant. Do đó, họ phải có niềm đam mê lớn với nghề để theo đuổi và thành công.
  • Kiên nhẫn: Nghề này yêu cầu tính kiên nhẫn để phân tích và tìm ra giải pháp tối ưu cho các vấn đề phức tạp trong dự án, giúp công việc diễn ra suôn sẻ.
  • Chịu khó, không ngại gian khổ hay còn gọi là “lì”: ERP Consultant phải đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ như lỗi hệ thống hoặc thời gian triển khai gấp. Do đó, đôi khi việc làm việc ngoài giờ hoặc thức thâu đêm để hoàn thành công việc trong các giai đoạn quan trọng của dự án là điều mà ERP consultant phải trải qua.
  • Khả năng chịu áp lực tốt: Áp lực lớn từ khách hàng, đội dự án và yêu cầu giải pháp đúng đắn khiến công việc này đầy căng thẳng. Khả năng chịu áp lực là yếu tố then chốt để hoàn thành dự án thành công..
  • Tinh thần học hỏi, cầu tiến: Với lĩnh vực công nghệ luôn thay đổi, tinh thần học hỏi và cầu tiến là điều cần thiết để luôn cập nhật kiến thức mới và đáp ứng yêu cầu công việc.

9. Học ngành nào, trường nào để trở thành một ERP Consultant?

Đối với vị trí Functional Consultant

Vị trí này thường phù hợp với những người tốt nghiệp các chuyên ngành như Hệ thống thông tin quản lý hoặc Tin học quản lý (MIS - Management Information Systems). Functional Consultant cần hiểu rõ quy trình hoạt động của doanh nghiệp và các kiến thức liên quan đến hệ thống và công nghệ.

Tuy nhiên, ngay cả khi không tốt nghiệp từ chuyên ngành MIS, nếu có đam mê và kiên trì học hỏi, bạn vẫn hoàn toàn có thể trở thành một ERP Consultant chuyên nghiệp.

Một số trường đại học đào tạo về chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý hoặc Tin học quản lý bao gồm: Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Ngân hàng, Đại học Bách Khoa (Ngành Quản lý công nghiệp, tương tự MIS), Đại học RMIT,..

Đối với vị trí Technical Consultant

Technical Consultant yêu cầu kiến thức sâu về kỹ thuật và công nghệ, phù hợp với những sinh viên tốt nghiệp các ngành như Công nghệ thông tin, Kỹ sư phần mềm, Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin quản lý.

Các trường đại học đào tạo về Công nghệ thông tin và Hệ thống thông tin quản lý bao gồm: Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, Đại học Công nghệ Thông tin,...

10. Kết luận

Nghề ERP Consultant là một lĩnh vực đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn vững chắc về hệ thống ERP và khả năng hiểu biết sâu sắc về nghiệp vụ doanh nghiệp. Các chuyên gia tư vấn triển khai ERP không chỉ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình hoạt động, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của dự án công nghệ. Với lộ trình nghề nghiệp rõ ràng và cơ hội thăng tiến cao, ERP Consultant là một nghề đầy thách thức nhưng cũng vô cùng hấp dẫn. Những ai có đam mê với công nghệ, khả năng giải quyết vấn đề và tinh thần cầu tiến sẽ tìm thấy nhiều cơ hội phát triển bền vững trong ngành này.

Bạn quan tâm chủ đề gì?

Chia sẻ nhận xét về sản phẩm

Gửi nhận xét
Bình luận
Đánh giá
Gửi bình luận

Chúng tôi rất hài lòng với tiến độ của dự án và có niềm tin mạnh mẽ về việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Sự nỗ lực phối hợp của toàn đội ngũ, đặc biệt từ WBG và Citek - là một minh chứng tiêu biểu. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Citek vì những kỹ năng xuất sắc trong quá trình tư vấn và triển khai dự án, được thúc đẩy bởi sự cống hiến bền bỉ và không ngừng nghỉ. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác hiệu quả này với Citek trong các dự án sắp tới.

Ông Aung Myint Oo

Ông Aung Myint Oo

CFO Win Brothers Group