ESG là khái niệm ngày càng được quan tâm trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư. Riêng tại Việt Nam, có đến 80% doanh nghiệp trong khảo sát của PwC đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới (Theo
Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 của PwC). Vậy ESG là gì? Tại sao
ESG lại quan trọng với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh hiện đại như vậy? Cùng Citek tìm hiểu trong bài viết sau!
1. ESG là gì?
ESG là viết tắt của Environmental, Social và Governance - ba tiêu chuẩn để đo lường mức độ phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Environmental (môi trường) đề cập đến các tương tác của doanh nghiệp với môi trường tự nhiên. Social (xã hội) liên quan đến các vấn đề xã hội như quyền lao động, quyền con người và quyền của cộng đồng. Governance (quản trị) đề cập đến cách mà doanh nghiệp được điều hành và quản lý.
2. Các thành phần của ESG
ESG được chia thành ba thành phần chính:
Môi trường (Environmental): Đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến bảo vệ môi trường. Các tiêu chí thường được sử dụng để đánh giá yếu tố môi trường là sử dụng tài nguyên tự nhiên; xử lý chất thải, khí thải, nước, năng lượng; những ảnh hưởng doanh nghiệp đến biến đổi khí hậu;…
Xã hội (Social): Đề cập đến cách doanh nghiệp ứng xử với nhân viên, cộng đồng và khách hàng. Các yếu tố xã hội có thể kể đến như tạo điều kiện làm việc công bằng; đảm bảo an toàn cho nhân viên; tôn trọng quyền con người và các chính sách liên quan đến nhân quyền; đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tham gia vào các hoạt động cộng đồng;…
Quản trị (Governance): Đánh giá cách doanh nghiệp được điều hành và quản lý. Một số yếu tố quản trị thường được xem xét là tính minh bạch; trách nhiệm của ban lãnh đạo; quản lý rủi ro và phòng ngừa gian lận; quản lý chi tiêu và tài chính;…
3. Khung báo cáo ESG
Khung báo cáo ESG là một cách tiếp cận chuẩn hóa để báo cáo các thông tin liên quan đến ESG của doanh nghiệp. Mục đích của khung báo cáo ESG là tăng cường sự minh bạch và cung cấp thông tin cho các bên liên quan. Các khung báo cáo ESG phổ biến bao gồm Global Reporting Initiative (GRI), Sustainability Accounting Standards Board (SASB) và Task Force on Climate-related Financial Disclosures (TCFD).
4. Lợi ích của ESG đối với doanh nghiệp
Ứng dụng ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp:
4.1. Tăng trưởng thị phần (Top-line Growth)
Theo Báo cáo Trải nghiệm khách hàng xuất sắc (CEE) 2022 của Việt Nam được KPMG thực hiện với 1560 người tiêu dùng cho thấy, có tới 93% khách hàng tại Việt Nam sẵn sàng chi thêm cho các sản phẩm, dịch vụ được tích hợp ESG. Thông qua việc phát triển các sản phẩm bền vững, doanh nghiệp có cơ hội thu hút các khách hàng cá nhân và tổ chức mới. Đồng thời, việc triển khai ESG cũng giúp doanh nghiệp xây dựng và củng cố mạng lưới liên kết với các bên liên quan trong cộng đồng, từ đó khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có.
4.2. Tiết kiệm chi phí (Cost Reduction)
Áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên như sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao, thiết bị tiết kiệm nước,... có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí quản lý và vận hành. Chẳng hạn như Vinamilk đã tiết kiệm được 237 tỷ đồng từ năm 2014 đến năm 2021 nhờ các sáng kiến ESG hàng năm.
Bên cạnh đó, quản lý tốt các vấn đề ESG cũng giúp doanh nghiệp tránh được những khủng hoảng truyền thông và tổn thất tài chính do các vụ tai nạn hoặc bê bối liên quan đến môi trường.
4.3. Giảm áp lực pháp lý (Regulatory and Legal Intervention)
Áp dụng các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn các quy định về môi trường, lao động, an toàn,... từ đó giảm thiểu những rủi ro về mặt pháp lý cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đối tác, cổ đông và khách hàng cũng ngày càng quan tâm đến việc doanh nghiệp có cam kết với các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp hay không. Do đó, thực hiện các tiêu chuẩn ESG có thể giúp xây dựng lòng tin và tăng cường quan hệ công chúng cho doanh nghiệp.
4.4. Tăng năng suất (Productivity uplift)
Doanh nghiệp thực hiện tốt ESG thường quan tâm đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên. Thông qua những chính sách giúp tạo dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, cân bằng và cung cấp nhiều cơ hội phát triển, nhân viên sẽ cảm thấy hạnh phúc, gắn bó và làm việc hiệu quả hơn.
4.5. Đầu tư và tối ưu hóa tài sản (Investment and asset optimization)
ESG có thể tăng cường lợi tức đầu tư bằng cách phân bổ vốn vào các cơ hội tiềm năng và bền vững hơn (năng lượng tái tạo, giảm thiểu chất thải và công nghệ lọc không khí). Với việc tuân thủ các nguyên tắc ESG, các công ty cũng có thể tránh được rủi ro dài hạn liên quan đến các vấn đề môi trường.
5. Các bước triển khai ESG
Triển khai ESG trong doanh nghiệp là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên và sự nhất quán trong toàn tổ chức. Dưới đây là sơ lược các bước triển khai ESG:
5.1. Xác định các tiêu chuẩn ESG liên quan
Đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định các tiêu chuẩn ESG liên quan đến ngành và hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp có thể tham khảo các tiêu chuẩn ESG đã được công bố và sử dụng trong ngành, hoặc nhờ tư vấn từ các tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ liên quan đến ESG.
5.2. Đánh giá hiện trạng và thiết lập mục tiêu ESG
Sau khi xác định các tiêu chuẩn ESG liên quan, doanh nghiệp cần đánh giá hiện trạng của mình trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn này. Dựa trên kết quả đánh giá, doanh nghiệp sẽ thiết lập được những mục tiêu ESG cụ thể.
5.3. Thực hiện các biện pháp cải thiện ESG
Sau khi thiết lập mục tiêu, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp cải thiện để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn ESG. Các biện pháp này có thể bao gồm: công bố thông tin ESG, xây dựng chính sách và quy trình mới, đào tạo nhân viên về ESG, kiểm tra và theo dõi tuân thủ.
5.4. Báo cáo và theo dõi tiến độ
Cuối cùng, doanh nghiệp cần báo cáo và theo dõi tiến độ triển khai ESG. Báo cáo ESG có thể được công bố theo chu kỳ nhất định hoặc khi có sự thay đổi quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Việc theo dõi tiến độ giúp doanh nghiệp xác minh việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG và điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.
6. ERP là gì? Tại sao ERP cần thiết đối với việc thực hiện ESG?
ERP (Enterprise Resource Planning) là phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp, được sử dụng để tổ chức và quản lý các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. ERP có liên quan mật thiết đến việc thực hiện ESG. Hệ thống cung cấp các công cụ hiệu quả để doanh nghiệp theo dõi và thu thập dữ liệu. Từ đó, doanh nghiệp dễ dàng báo cáo và quản lý hiệu quả các yếu tố liên quan đến Môi trường, Xã hội và Quản trị, đồng thời, theo dõi tiến độ triển khai các biện pháp cải thiện ESG.
ESG là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá và xác định hiệu quả của một doanh nghiệp. Việc thực hiện ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như xây dựng hình ảnh tích cực, tăng hiệu suất kinh doanh và tuân thủ các yêu cầu pháp lý. Đầu tư vào ESG cũng giúp thu hút nhà đầu tư có ý thức về bền vững. Để triển khai ESG, doanh nghiệp cần tuân thủ các khung báo cáo chuẩn và sử dụng ERP để quản lý thông tin một cách hiệu quả.