Chuyển đổi số để biến nguồn lực thành tài nguyên

Thời gian đọc: 5 phút

Ứng dụng công nghệ để giải bài toán quản trị tổng thể, hoạch định nguồn lực tối ưu là thách thức để các doanh nghiệp thủy hải sản có thể biến nguồn lực thành tài nguyên, phục vụ kinh doanh và khẳng định vị thế của cả ngành trên toàn cầu.

Hành trình triển khai thành công giải pháp hoạch định tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) được bà Nguyễn Thị Thu Sắc – chủ tịch Hải Nam Seafoods chia sẻ: mất hơn 10 năm, phải trải qua quá trình học hỏi, trải nghiệm, thử sức và thất bại của cả doanh nghiệp lẫn nhà tư vấn triển khai.
Chia sẻ với khoảng 50 doanh nghiệp chuyên ngành thủy hải sản tại cuộc gặp ở Cần Thơ hồi cuối tuần rồi, bà Sắc kể, từ năm 2007 Hải Nam bắt đầu ký hợp đồng triển khai giải pháp Micorsoft Dynamic để quản lý nhưng “nó quá mới, mới cho cả nhà tư vấn lẫn doanh nghiệp và chúng tôi cứ bơi trong đó bởi chưa hiểu ERP là gì, chưa biết ngay cả chuyện muốn quản trị sản xuất thì phải có định mức.”

Chuyển đổi số để biến nguồn lực thành tài nguyên

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc đánh giá ERP nói lên tính minh bạch, giúp lãnh đạo nhìn thấy được những ‘phần dưới của tảng băng’. Ảnh: Bích Trâm.

Mất gần năm năm “bơi trong ERP” thì theo bà Sắc, “tiền mất, cơ hội mất, nhân sự cũng mất vì họ phải làm việc gấp đôi trong cả môi trường phần mềm lẫn hệ thống thực tế, phải nhập dữ liệu, làm lại mã hàng, phân cỡ tôm, cá… vô cùng phức tạp.” Hải Nam trở lại từ đầu. Sau thất bại với Microsoft Dynamic, sợ phần mềm nước ngoài không phù hợp với thực tế doanh nghiệp Việt nên Hải Nam quay về đặt doanh nghiệp trong nước “may đo”, mất thêm hai năm nữa để quản lý các hoạt động kinh doanh.
Theo bà Sắc, thời đó những giải pháp như SAP hay Oracle đều được xem là “bảo bối” nhưng đa số doanh nghiệp Việt không đủ tiền để đầu tư. Còn hai năm nay hệ thống quản trị của Hải Nam Seafoods đã vận hành trơn tru trên nền SAP S/4 HANA. Đó là cơ sở để họ chuyển nguồn lực thành tài nguyên trên hệ thống theo thời gian thực từ hoạt động kinh doanh, hàng hóa, tình trạng tài chính, báo cáo tồn kho…
“ERP là để biến nguồn lực thành tài nguyên,” bà Sắc nói. Họ phải vất vả qua nhiều lần bởi bị áp lực quản lý: ở Sài Gòn nhưng quản lý trang trại, nhà máy ở nhiều tỉnh thành khác, hàng hóa xuất đi nhiều thị trường; quản lý đa chủng loại sản phẩm từ cá lớn, cá nhỏ, tôm mực, yến sào… nên một phần mềm về nhân sự và kế toán không thể giải quyết được.
Trả lời đại diện công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex), bà Sắc đưa ra lời khuyên: “đầu tư cho công nghệ chắc chắn là đắt, nếu không chịu áp lực thay đổi, không đủ ý chí thì đầu tư sẽ lãng phí!”. Bà Sắc chia sẻ từng bị ban giám đốc quay lưng, nhân sự bỏ đi vì việc triển khai ERP quá khó.
Giá trị khác biệt mà ERP mang lại theo các chuyên gia là giải quyết việc chuyển đổi số để tích hợp các quy trình vào mô hình quản trị đồng bộ và thống nhất. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất thì đây là nền tảng tối ưu hóa các nguồn lực con người, máy móc, nguyên vật liệu…, làm cơ sở cho việc tổ chức kinh doanh sản xuất.
“Nền tảng này là tài nguyên phục vụ cho quá trình tự động hoá sản xuất. Tương lai của ngành thủy hải sản chắc chắn sẽ dịch chuyển sản xuất bằng công nghệ lên mức cao hơn.” theo chuyên gia triển khai ERP Nguyễn Công Tẩn – tổng giám đốc công ty Công nghệ Citek.
Theo ông Tẩn, đặc thù ngành thủy hải sản là sự tham gia của con người ở nhiều khâu từ nuôi trồng, sản xuất đến chế biến…, việc triển khai ERP sẽ phức tạp vì phải điều chỉnh ở rất nhiều công đoạn. Quá trình chuyển đổi số phải kết hợp được nghiệp vụ quản trị song song với công nghệ, các chuẩn mực đều đi liền với công nghệ, tạo cơ sở hạ tầng làm “lõi số” cho doanh nghiệp. “Đây là xu hướng tất yếu các doanh nghiệp phải đi qua, khi thị trường dịch chuyển thì các quy trình dịch chuyển theo,” theo ông Tẩn.
Thách thức lớn trong ngành thủy sản hải sản được các doanh nghiệp lo ngại còn là sức ép ở các thị trường Mỹ và châu Âu về siết chặt dư lượng kháng sinh và xu hướng kiểm tra sản phẩm từ nguồn ngày càng được chú trọng, đòi hỏi phải kiểm soát chuỗi cung ứng từ nông trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp phải chịu áp lực xây dựng mô hình kinh doanh thông minh hỗ trợ quản lý sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng song song với am hiểu về sự thay đổi nhu cầu của khách hàng.

Chuyển đổi số để biến nguồn lực thành tài nguyên

Theo ông Nguyễn Công Tẩn công nghệ hỗ trợ từng cá nhân trong doanh nghiệp nắm bắt nghiệp vụ của các bộ phận khác nhau, tạo cơ hội cho họ mở rộng kỹ năng chuyên môn. Ảnh: Bích Trâm.

Theo ông Trần Minh Triết – giám đốc giải pháp SAP khu vực Đông Nam Á, thực tế ngành thủy hải sản đang có nhiều thay đổi lớn. Sự bùng nổ dân số dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ, kéo theo sự phát triển của những ngành liên quan như thức ăn thủy sản, thuốc thú y, sản xuất phụ trợ… Thực tế này càng đặt ra áp lực quản trị chuỗi của các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự thay đổi của thị trường.
“Hiện nay chất lượng là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Với các thị trường khó tính, chỉ cần dư lượng kháng sinh 1-2%, sản phẩm đã bị trả về. Người dùng yêu cầu biết được cả chuỗi quy trình từ lúc con cá, con tôm được đánh bắt hoặc nuôi trồng cho đến quá trình sản xuất, chế biến. Vậy dữ liệu phải là tài nguyên được quản trị cách tin tưởng nhất,” ông Triết chia sẻ.
Bà Sắc cũng lưu ý về thế mạnh của việc chuyển đổi số là giúp gia tăng tính minh bạch, phá vỡ “quyền lực vô hình” của một cá nhân hay một bộ phận. Sẽ không còn tình trạng “chúa đảo”, “thủ kho cao hơn thủ trưởng”. Việc quản lý các chi tiết theo thời gian thực trên một hệ thống tích hợp, có sự phân quyền hợp lý giúp hệ thống linh hoạt và chuẩn xác.
Xác định bài toán cốt lõi khi triển khai ERP là con người, bà Sắc chia sẻ đã phải giữ chân nhân sự. Trên hết là sự tham gia của lãnh đạo doanh nghiệp và sự đồng thuận trong ban giám đốc. Lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp nên làm giám đốc dự án chuyển đổi số. “Chỉ có lãnh đạo mới có khả năng lắng nghe hơi thở của dự án để ra quyết định, xử lý kịp thời mọi phát sinh. Họ phải đánh giá được khả năng thành – bại của dự án để kịp thời “thổi lửa”, giúp mọi người trong công ty tiếp tục đi lên,” tổng giám đốc Hải Nam khẳng định.